Now Loading...

Triển vọng xuất khẩu máy nông nghiệp

Những sản phẩm máy động lực và nông nghiệp do nước ta sản xuất đang được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Bộ Công Thương đặt mục tiêu, đến năm 2020 sẽ đưa sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp thành ngành sản xuất mũi nhọn của Việt Nam và trong khu vực
 

Theo Bộ Công Thương, trên thị trường hiện nay, các sản phẩm máy móc nông nghiệp do Trung Quốc sản xuất thường có giá rẻ, chất lượng không cao; Các sản phẩm của Nhật Bản chất lượng cao, nhưng đắt tiền. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, các nhà sản xuất của Việt Nam đã nhanh chóng và chọn hướng sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao hơn máy Trung Quốc, giá thành rẻ hơn máy Nhật Bản, nhờ vậy đã đang chiếm lĩnh được thị trường nhiều nước trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu qua đường chính ngạch chủ yếu vào các nước là Philipines, Indonesia, Malaysia, Myanmar; Xuất khẩu tiểu ngạch vào các nước Thái Lan, Campuchia, Lào. Ngoài các sản phẩm máy móc đã tạo dựng được thương hiệu ở khu vực Nam Á, châu Phi, châu Mỹ, các sản phẩm cũng đã thâm nhập vào thị trường các nước phát triển như Mỹ, Canada, Pháp.

Các doanh nghiệp chủ lực nhất trong các doanh nghiệp xuất khẩu máy động lực và máy nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay là Công ty Vikyno, Vinapro và Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp đạt hàng chục triệu USD và dự kiến trong năm nay sẽ đạt khoảng 80 triệu USD. Những loại sản phẩm do Việt Nam sản xuất đang được ưa chuộng tại nước ngoài chủ yếu là động cơ diezen gắn vào các máy nông nghiệp cỡ nhỏ, các loại máy phục vụ trong nông nghiệp như: Máy bơm nước, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, máy cày, máy xới, máy kéo, máy phát điện, máy xay xát... Hiện các sản phẩm này đã được xuất khẩu trực tiếp sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất là Srilanca.

Thị trường sản phẩm máy nông nghiệp thế giới được đánh giá là có tiềm năng rất lớn, mặc dù thời gian qua các sản phẩm của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, nhưng thực tế là thị phần còn nhỏ. Thêm vào đó là các sản phẩm tiên tiến của các nước châu Âu; Các nhà máy của Trung Quốc với quy mô khổng lồ, mỗi nhà máy sản xuất hàng triệu chiếc máy/năm đang là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo quy hoạch đến năm 2015 của Bộ Công Thương, ngành sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp sẽ cơ bản hình thành mạng lưới sản xuất lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho cả 3 miền. Theo đó sẽ tập trung giải quyết những khâu cơ bản là đúc, rèn phôi, nhiệt luyện, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đầu tư đúng mức cho công nghiệp sạch. Ngành phấn đấu giành lại phần lớn thị phần trong nước đối với các loại động cơ diesel cỡ trung và nhỏ, động cơ xăng công suất nhỏ, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Sau năm 2015, có thể sản xuất được các sản phẩm trình độ cao như bơm dầu, vòi phun cao áp và động cơ đa hệ nhiên liệu.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, đưa sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp thành ngành sản xuất mạnh của Việt Nam và trong khu vực, quy hoạch đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó, đối với giải pháp về thị trường, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường, lựa chọn một số sản phẩm mũi nhọn để có kế hoạch nhập mẫu, chế tạo thử nghiệm, đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu mạnh. Đồng thời, sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn cũng như các dự án sản xuất máy nông nghiệp thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn. Trong khuôn khổ quy định và lộ trình hội nhập cho phép, có giải pháp ưu tiên cho các cơ sở sản xuất trong nước được nhận các hợp đồng cung cấp máy nông nghiệp theo hình thức tổng thầu đối với các dự án xóa đói giảm nghèo, thuộc vùng sâu vùng xa, trồng và chăm sóc rừng trồng.